Saturday, 29 June 2013

Điều Cần biết Trước Khi Du học tại trường Đại Học Delhi, Ấn Độ







Điều Cần biết Trước Khi Du học tại trường Đại Học Delhi, Ấn Độ

Ấn Độ, một quốc gia rộng lớn, có dân số đông thứ hai sau Trung Quốc, có chiều dài lịch sử trên năm ngàn năm, có nền văn hóa lâu đời, đa dạng và phong phú, đặc biệt là nền văn hóa tâm linh đông phương, trong đó có Phật giáo.

Ấn Độ là mảnh đất thiên mà nhiều tôn giáo xuất hiện như Ấn giáo (Hinduism), Kì-na giáo (Jainism), Sikh giáo (Sikhism), Phật giáo (Buddhism)…và cũng là nơi các bậc Thánh xuất hiện ra đời như Mahāvira; vị giáo chủ của đạo lỏa thể - Kì-na giáo, Mahatma Gandhi; nhà cải cách Ấn giáo và nhà chính trị bất bạo động nổi tiếng; Guru Nanak; vị thầy thứ nhứt sáng lập đạo Sikh, Sakyāmuni Buddha; Đức Phật Thích-ca-mâu-ni, một Đức Phật lịch sử, nhà sáng lập Phật giáo...

Chính những điều lí thú và hấp dẫn đó đã thúc đẩy những vị Tăng Ni sinh viên khi có đủ duyên lành tham gia học các khóa học, họ không thể không tìm đến Ấn Độ để du học. Để nghiên tầm Kinh điển - giáo lí của những bậc Thánh, đặc biệt là Đức Phật, tôn giáo và lời dạy của Ngài, các vị Tăng Ni sinh viên cần phải biết và nắm vững những điều dưới đây như sau:

1/ Trước hết, Tăng Ni sinh hoặc sinh viên phải tốt nghiệp cử nhân Phật học hay cử nhân Anh văn, văn chương…


2/ Có kiến thức tổng quát, đặc biệt là kiến thức Phật học.

3/ Ngoại ngữ như Pāli, Phạn (Sanskrit), tiếng Hán cổ và hiện đại, đặc biệt là tiếng Anh Phật học và thế học.

4/ Tịnh tài hay nói rõ hơn là tiền để đóng học phí, mua sách vở, đồ ăn thức uống, phương tiện xe cộ, tiền thuê phòng, điện nước…Trong thời buổi hiện nay, người học có thể chi phí tiền tổng quát cho một năm khoảng  từ $2200 tới $2500.

5/ Trí nhớ tốt: Khi sinh viên học ở cấp độ thạc sĩ, bài vở rất nhiều nếu không có trí nhớ tốt thì khó vượt qua kì thi cuối năm và không dễ đạt được điểm cao toàn khóa.

6/ Kham nhẫn và tinh tấn: Hai yếu tố này thường đi đôi với nhau tạo thành một sức mạnh vững chãi để đưa hành giả và học giả tới thành công tốt đẹp. Trên lộ trình hướng thượng, thiếu một trong hai yếu tố trên, chúng ta không dễ gì đạt được viên mãn. Dĩ nhiên, theo quan điểm của đạo Phật, kham nhẫn và tinh tấn luôn đi với trí tuệ vì có trí tuệ, kham nhẫn và tinh tấn không rơi vào tà kham nhẫn và tà tinh tấn.







Kham nhẫn có các loại như sau:

a/ Kham nhẫn thời gian

Ở Ấn Độ khi mình đi làm giấy tờ, mua sắm, thuê phòng…người Ấn thường mở miệng ‘một phút,’ ‘sau trưa,’ ‘ngày mai’...; “một phút của người Ấn”giống như nữa tiếng đồng hồ; “sau trưa của người Ấn” có nghĩa là ngày mai; “ngày mai của người Ấn” có nghĩa là ngày mai, ngày mai, ngày mai…cho tới một tuần.


b/ Kham nhẫn thời tiết 
Thời tiết bên Ấn Độ có hai mùa đáng chú ý; ban ngày vào mùa hè khoảng tháng 6-7 dương lịch, thời tiết rất nóng có thể lên tới 43% C hoặc 45 % C. Chỉ sử dụng một máy hơi nước (Cooler) cho mát phòng . Không dám dùng máy điều hòa (AC) vì sợ tốn kém. Ban đêm vào mùa đông khoảng tháng 12 tháng giêng dương lịch, thời tiết rất lạnh khoảng 3% C hoặc 6 % C. Cái lạnh bên Ấn Độ khó chịu vì thiếu phương tiện lò sưởi, hệ thống nước nóng…Hơn nữa, là một sinh viên xa nhà, việc sử dụng tiền bạc giới hạn, hạn chế việc tiêu xài điện nước càng ít càng tốt. Ở trong kí túc xá, việc sử dụng điện nước có phần thuận tiện hơn bên ngoài, không sợ chủ nhà phàn nàn.

c/ Kham nhẫn về con người

Con người ở đây chỉ người Ấn nói chung, con người đòn đưa, khi mình đi làm giấy tờ ở điểm A, nhân viên văn phòng ở điểm A bảo mình tới điểm B; khi mình tới điểm B, nhân viên văn phòng ở điểm B bảo mình tới văn phòng ở điểm A. Một lần nữa, mình cố gắng tới văn phòng điểm A thì họ  bảo là sau trưa. Sau trưa mình sắp hàng chờ xong, khi tới lượt mình thì họ nói là ngày mai. Làm xong giấy tờ, có khi mình mất thời gian cả tuần.

d/ Kham nhẫn về ăn uống

Đồ ăn và thức uống của người Ấn khác biệt với đồ ăn và thức uống của người Việt. Trong bữa ăn của người Ấn thường có bánh Chappati, bánh làm bằng tinh bột lúa mì, cà ri, khoai tây…Không có nước tương, nước xì dầu, đậu hủ, muốn có những thứ này phải đi ô tô Rickshaw khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Rickshaw giống như xe Lam Việt Nam chở khoảng ba người. Tuy nhiên, mình có thể mua rau, bầu, bí…luộc, nấu canh, chiên xào…theo ý muốn của mình. Các bạn thường nói giởn khi lấy được bằng thạc sĩ thì mình có bằng thạc sĩ nấu ăn.

e/ Kham nhẫn về môi trường

Về khía cạnh nào đó, Ấn Độ có môi trường thiên nhiên rộng lớn, họ bảo vệ cây cối rất tốt. Nhưng nhìn về mặt tổng thể, môi trường xung quanh mà người dân đang ở thì rất dơ, tràn đầy phân bò, rác rến, nước tiểu…

f/ Kham nhẫn học hành

Mặc dầu thời gian, thời tiết khắc nghiệt, con người đòn đưa, ăn uống khắc khổ, môi trường không trong lành…, nhưng chúng ta cố gắng kham nhẫn vượt qua những khó khăn ấy, thì việc học của chúng ta có ý nghĩa trọn vẹn. Nếu không kham nhẫn và khắc phục những khó khăn đó, thì việc học của chúng ta khó mà thành tựu. Chúng ta nghĩ rằng khi các vị Tăng Ni sinh viên qua Ấn Độ, mục đích của họ là tu học, nếm được Pháp lạc, đặt chân trên đất Phật và lấy được mảnh bằng trong tay.

Điều đó cũng giống như khi mình đi trồng cây ở xứ người mục đích của mình và của nhiều người là muốn nhìn thấy cây có hoa thơm, trái ngọt, hái và thưởng thức được chúng. Do vậy, muốn thưởng thức được hoa thơm trái ngọt, việc trước tiên đòi hỏi chúng ta phải kham nhẫn mọi khía cạnh và mọi trường hợp trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta.

Ngoài những việc đề cập ở trên, chúng ta cần biết thêm một số thông tin về các khóa học thạc sĩ, hậu thạc sĩ, tiến sĩ bao nhiêu năm, có bao nhiêu môn học cho các khóa học, điểm thi…

Khóa học thạc sĩ hai năm:

Ở trường Đại học Delhi - Ấn Độ, khóa học thạc sĩ hai năm, mỗi năm thi hai học kì rơi vào tháng 12 và tháng 4 dương lịch.

Năm đầu, sinh viên bắt buộc học 8 Papers[1]:
Paper 1: Pāli
Paper 2: Văn học, lịch sử Pāli và tiếng Phạn Phật giáo
Paper 3: Văn phạm, ngôn ngữ Prakrit và tiếng Phạn Phật giáo
Paper 4: Lịch sử Phật giáo Ấn Độ cổ đại và tiền trung đại
Paper 5: Triết học Phật giáo Ấn Độ
Paper 6: Lịch sử và triết học Ấn Độ trong thời Đức Phật
Paper 7: Đạo Phật đi vào cuộc đời
Paper 8: Văn học và ngôn ngữ Trung Quốc hoặc văn học và ngôn ngữ Tây Tạng (Paper này thí sinh có thể chọn một trong hai)

Năm thứ hai của khóa học thạc sĩ, sinh viên có thể học chuyên ngành được phân chia thành 6 nhóm:


Nhóm A: Pāli Phật giáo

Nhóm B: Phạn ngữ Phật giáo

Nhóm C: Lịch sử Phật giáo

Nhóm D: Triết học Phật giáo

Nhóm E: Phật giáo Trung Hoa

Nhóm F: Phật giáo Tây Tạng

Trong 6 nhóm học ở trên, mỗi nhóm gồm 8 môn, riêng môn đạo đức học Phật giáo được áp dụng cho tất cả 6 nhóm. Vậy, trong 2 năm học thạc sĩ, mỗi sinh viên đều phải học đủ 16 môn. Điểm thi tối đa của mỗi môn là 100 điểm. Chuẩn bị bài vở cho một môn học cho một kì thi khoảng một cuốn vở 100 trang. Học mệt nghỉ, nhứt là khoảng 2 tháng gần tới kì thi, ai gọi điện thoại tới thăm và hỏi mình đang làm gì đó, thì mình đều trả lời rằng em đang tụng Kinh, họ hỏi tụng kinh gì vậy, mình trả lời rằng dạ! em đang tụng kinh History of Buddhism hoặc Buddhist Philosophy. Ý này diễn tả rằng thí sinh học giữ lắm, học gắt củ kiệu mới theo kịp bài vở.
Bên Ấn Độ có rất nhiều ngày lễ, đi học giống như đi chơi mà thi lại thi thật. Chúng ta biết ở quê nhà khi chúng ta thi, đôi lúc chúng ta quên bài học, chúng ta có thể bịa rồi viết ra cái ý của mình bằng tiếng Mẹ đẻ. Ở bên Ấn Độ, thí sinh người nước ngoài buộc phải viết tiếng Anh từ A tới Z. Do đó, tới kì thi, thí sinh cần phải chuẩn bị bài vở thật là chu đáo, học đi học lại và viết đi viết lại câu hỏi và bài học một cách nhuần nhuyễn và ngon lành, kết quả của kì thi, thí sinh chắc chắn đạt được điểm cao.
Thật vậy, nhờ chuẩn bị bài vở chu đáo từ ban đầu, nên kết quả thi toàn khóa, thí sinh mới đủ điểm để tiếp tục học tại trường Đại học Delhi, Ấn Độ.
Theo quy định Bộ Giáo dục của trường Đại học Delhi, để tiếp tục ở trường này,  trong 2 năm học thạc sĩ, tổng số các môn học thí sinh phải đạt được 55%, dưới 55% nếu học tiếp ở trường này, thí sinh phải đợi một năm để thi lại, nhưng không đóng học phí cho năm đó. Thí sinh nào rơi vào trường hợp này rất vất vả, vừa lo ôn bài cũ vừa lo học bài mới. Nếu không đạt được 55%, có hai phương án mở ra: đi chuyển trường hoặc đi về nước.

Trong quá trình thi cử, thí sinh không được quay và cóp bài trong bất cứ hình thức nào. Là một sinh viên ở Việt Nam, chúng ta biết việc quay cóp tài liệu trong nhiều hình thức khác nhau không thể là không có, có thể là viết tài liệu trên tay, trên áo, trên giấy…Khi thí sinh cóp bi bị giám thị bắt, thí sinh có thể bị cảnh cáo và có thể tiếp tục thi nếu đừng tiếp tục tái phạm. Còn bên trường Đại học Delhi-Ấn Độ, thí sinh quay cóp tài liệu thì bị đánh dấu bài ngay; đánh dấu bài có nghĩa là thí sinh đó bị hỏng một môn thi.

Mặc khác, thí sinh nào viết tài liệu trên tay hoặc trên giấy và đi vào phòng thi, trước khi bắt đầu thi, người gác thi bắt được và bảo thí sinh ấy đi ra bên ngoài rửa tay liền, nếu thí sinh không chịu đi rửa tay, thì trong giờ thi đừng quay cóp bài, lúc đó không có gì xảy ra. Ngược lại, nếu thí sinh quay cóp bài, người gác thi bắt được, đánh dấu bài ngay hoặc bảo thí sinh đi ra khỏi phòng thi, đứng bên ngoài phòng thi đợi gần hết giờ thi rồi mới được phép vào lại phòng thi viết bài. Nếu sự thật xảy ra thì hôm ấy thí sinh đó bị hỏng một môn thi 100 điểm rồi. Chúng ta biết kì thi năm đầu một môn thi bi hỏng, kì thi năm thứ hai, thí sinh rất ư là vất vả, vừa học bài cũ, vừa ôn bài mới, kết quả điểm thi không cao. Nói chung, trong khi thi đừng quay cóp tài liệu là hay nhứt. Cố gắng học và chuẩn bị bài vở thật kỹ là tốt nhất.

Hơn nữa, trong khi thi, thí sinh quay cóp tài liệu, người coi thi bắt được thì họ gọi tên quốc gia của thí sinh, họ không gọi tên thí sinh quay cóp bài. Ví dụ, mình là người Thái, tên Namo, trong khi thi mình quay cóp bài, người gác thi bắt được, họ không gọi mình là Namo, họ gọi mình là Thái, Thái. Thái tức là Thailand, tên của một quốc gia của thí sinh. Do vậy, để đem lại tiếng thơm cho mình, cho bạn bè mình và cho quốc gia mình, việc tốt nhứt là nỗ lực học, đừng quay cóp tài liệu trong khi thi. Người gác thi khóa học thạc sĩ, hầu hết là do Bộ giáo dục của trường Đại học Delhi chỉ định và đưa tới xem thi, do vậy, họ xem thi rất ư là gắt.  



Khóa học hậu thạc sĩ một năm, khóa học này có hai phần: Phần I và phần II.

Phần I: Viết Bookreview, phần này thí sinh tập viết lời giới thiệu, nhận xét tác giả, tác phẩm, tóm tắt cuốn sách khoảng 5 tới 7 trang giấy A4. Để viết Bookreview, sách có thể mình chọn và có thể Giáo sư chọn cho mình dày khoảng 80 tới 120 trang. Viết Survey, phần này thí sinh tập nhìn và viết tổng quát một đề tài, viết khoảng 17 tới 20 trang giấy A 4 là được. Đề tài này viết như một bài luận nhỏ, có phần giới thiệu đề tài, nội dung, kết luận, tài liệu tham khảo…     
Tiếp đến là phần tham gia thi viết, phần này thí sinh cần phải ôn tổng quát các môn học của hai học thạc sĩ và buộc phải thi những môn học mới nữa là Phương Pháp Nghiên cứu, phương pháp trích dẫn, phương pháp phê bình…
Bookreview Survey được viết ở nhà và đem nộp cho khoa mà mình đang học. Viết Bookreview Survey, thí sinh phải được sự đồng ý của vị Giáo sư hướng dẫn và vị Trưởng khoa.

Phần II: Thí sinh viết luận văn (Dissertation) khoảng 70 tới 100 trang giấy A4 dưới sự hướng dẫn của vị Giáo sư hướng dẫn trong khoa. Khi viết xong luận văn, trình cho Giáo sư duyệt. Duyệt xong, Giáo sư đồng ý, sau đó thí sinh nộp luận văn cho khoa. Tùy theo thời gian thích hợp, Giáo sư chọn cho thí sinh buổi thi vấn đáp (Viva voce) do các Giáo sư trong khoa hỏi.

Cách chấm điểm thi hậu thạc sĩ:

Phần I: Điểm tổng quát là 300. Điểm môn thi tổng quát là 100, điểm thi các phương pháp nghiên cứu là 100, điểm thi Bookreview Survey là 100.

Phần II: Điểm viết Dissertation và điểm thi vấn đáp là 100. Tổng cổng điểm thi của phần I & II là 400. Thang điểm này tính từ năm 2003, từ năm 2004 thang điểm này có thể thay đổi, tuy nhiên, trong khóa học hậu thạc sĩ, theo quy định của Bộ Giáo Dục, muốn học tiếp Ph.D ở trường Đại học Delhi, thí sinh phải đạt điểm 55% trở lên, nếu điểm dưới 55%, thí sinh phải thi lại hoặc phải đi chuyển trường.
Thời gian thi và nộp bài của khóa học hậu thạc sĩ:

Phần I: Bắt đầu học khóa học này vào tháng 8, thí sinh phải thi viết tổng quát, viết Bookreview và viết Survey hoàn tất vào tháng 4.

Phần II: Từ tháng 4 tới tháng 8, thí sinh viết luận văn xong có thể nộp bài. Nếu luận văn chưa hoàn tất, thì thí sinh tranh thủ viết và nộp luận văn thêm nữa năm hoặc một năm nữa, nhưng không quá 2 năm kể từ khi tham gia học khóa hậu thạc sĩ.

Các điều kiện tham gia học khóa học thạc sĩ và hậu thạc sĩ:

Tham gia khóa học thạc sĩ, sinh viên trong nước, tức sinh viên người Ấn Độ, phải thi tuyển, sinh viên người nước ngoài miễn giảm không thi. Mặc dù không thi, nhưng sinh viên nước ngoài phải đầy đủ các hồ sơ dưới đây:

Photo 2 văn bằng cử nhân/ 2 bảng điểm năm cuối của cử nhân/ 2 giấy khai sanh/ và một cái đơn lấy từ trên trang web http://ww.du.ac.in/forms/foreignstudents1.pdf. Sau khi có cái đơn này rồi, mình điền đầy đủ vào và đem nó tới trường Đại học mà mình học trước đây hoặc Sứ Quán Việt Nam tại Ấn Độ để kí và đóng dấu. Kí và đóng dấu xong, mình lấy cái đơn này photo thêm một tờ nữa.

Mình chia giấy tờ ở trên thành hai bộ hồ sơ, một bộ gốc và một bộ photo, nhưng không cần thị thực, trực tiếp hoặc gián tiếp nộp hai bộ hồ sơ vào ‘Văn Phòng Sinh Viên Người Nước ngoài’ (Foreigner Students Office) vào khoảng tháng hai là tốt nhứt. Sau khi nộp hồ sơ xong, mình đợi từ nữa tháng đến một tháng, văn phòng này cấp cho mình một cái đơn màu xanh hoặc màu vàng có vài dòng chữ đánh máy chấp thuận cho mình lấy sinh viên Visa (Student Visa). Nhận được đơn này, mình đem đến Đại Sứ Quán hoặc Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Việt Nam để lấy sinh viên Visa và đóng tiền khoảng hơn một triệu đồng VN cho khóa học thạc sĩ hai năm.     

Khóa học hậu thạc sĩ: Hồ sơ gồm có 1 văn bằng cử nhân/ 1 bảng điểm cử nhân năm cuối/ 1 giấy khai sanh/ 1 văn bằng thạc sĩ/ 1 bảng điểm thạc sĩ năm cuối/ 1 giấy photo hộ chiếu có Visa sinh viên. Những hồ sơ này nộp ở văn phòng khoa và văn phòng sinh viên người nước ngoài, sau đó họ xác nhận và cấp cho mình một cái đơn, mình cầm cái đơn này để đi lấy Visa sinh viên (student Visa) tại Đại sứ quán hay Lãnh Sự quán Ấn Độ tại Việt Nam. Giá tiền lấy Visa khoảng hơn $80.

Chú ý: Khi nào thí sinh thi tuyển đậu khóa học hậu thạc sĩ, thì những hồ sơ này mới có giá trị.
Trước khi tham dự kì thi tuyển này, thí sinh phải thi viết hai phần. Phần một thi tổng quát các môn học thạc sĩ, phần hai thi các phương pháp nghiên cứu, trích dẫn, phê bình… mặc dầu thí sinh chưa từng học các phương pháp này ở khóa học thạc sĩ.
Khóa học tiến sĩ: Các điều kiện của khóa học, điều kiện lấy Visa nghiên cứu (Research Visa), thời gian của khóa học, cách chọn đề tài, cách bảo vệ Luận án tiến sĩ (Doctoral Thesis), cách nộp và gởi bài đi chấm, phân loại Giáo sư hướng dẫn và cách chấm luận án tiến sĩ.


Các điều kiện của khóa học: Sau khi tốt nghiệp khóa học hậu thạc sĩ, sinh viên có thể học tiếp chương trình tiến sĩ tại trường Đại học Delhi - Ấn Độ. Điều kiện cần thiết là đề tài của mình phải được vị Giáo sư hướng dẫn (Supervisor), vị Trưởng khoa (Head of the Department) và các vị Giáo sư trong khoa duyệt và chấp nhận. Khi đề tài của mình được Hội Đồng Khoa học đồng ý rồi, thì mình xúc tiến các thủ tục cần thiết dưới đây.
Điều kiện 1: Các thủ tục cần thiết của khóa học tiến sĩ gồm có 2 Synopsis (bảng viết tóm tắt đề tài tiến sĩ khoảng 8 tới 15 trang giấy A4; viết như một bài tiểu luận, viết giới thiệu tổng quát đề tài, phần nội dung, thân bài, kết luận và tài liệu tham khảo)/ 2 văn bằng cử nhân/ 2 bảng điểm cử nhân năm cuối/ 2 giấy khai sanh/ 2 văn bằng thạc sĩ/ 2 bảng điểm thạc sĩ năm cuối/ 2 giấy photo hộ chiếu có Visa sinh viên. Tất cả hồ sơ trên, mình sử dụng bảng photo và bảng gốc đều được, chia thành 2 bộ hồ sơ hoàn chỉnh, một bộ đem nộp cho Văn phòng sinh viên người nước ngoài và một bộ đem nộp cho Văn phòng khoa Phật học.
Sau khi nộp bộ hồ sơ cho Văn phòng khoa người nước ngoài, mình phải đợi khoảng 3 tháng, họ cấp cho mình một cái đơn, nội dung của đơn là chấp thuận cho mình lấy Visa nghiên cứu sinh tại Đại sứ quán hay Lãnh Sự quán Ấn Độ tại quốc gia của chúng ta. Tuy nhiên, theo nguồn tin chính phủ Ấn Độ, một đơn này hiện nay chưa đủ điều kiện để lấy Visa nghiên cứu mà cần nhiều hồ sơ khác, mình sẽ đề cập dưới đây.
Sau khi nộp hồ sơ cho Văn phòng khoa Phật học, các vị Giáo sư trong khoa mở ra 2 cuộc họp gọi là Hội đồng Nghiên cứu của Khoa, tiếng Anh viết là Department of Research Committee, viết tắt là DRC. Mục đích của hai cuộc họp của Khoa diễn ra là để xét duyệt các đề tài của các sinh viên, xem xét các đề tài này có trùng lập không, có ai viết chưa, có thể chấp nhận các đề tài này không, có thể sửa đổi một vài từ của một vài đề tài, nhưng không đổi ý của nó, có thể gợi ý và chọn đề tài mới cho sinh viên, vân vân và vân vân.
Qua 2 cuộc họp xét duyệt của Hội đồng Nghiên cứu của Khoa, đề tài của mình được chấp thuận, nhân viên văn phòng Khoa bảo mình photo thêm 25 Synopses để nộp cho văn phòng Khoa, văn phòng Khoa chuyển bộ hồ sơ và 25 Synopses của mình tới văn phòng của trường Đại học Delhi; Văn phòng của trường gồm nhiều Khoa, khoảng trên 25 Khoa, mỗi Khoa đều có Hội đồng Nghiên cứu riêng hoặc Hội đồng Khoa học riêng của nó. Chúng ta biết khi toàn bộ hồ sơ của mình được chuyển xuống văn phòng của trường, lúc đó mình biết đề tài của mình đậu khoảng 70%, còn 30% nữa là do Hội đồng Khoa học của trường xét duyệt và thông qua. Thỉnh thoảng, cũng có trường hợp đề tài của mình bị rớt, trường hợp này cũng ít xảy ra. Sau khi đề tài của mình được Hội đồng Khoa học của trường đồng ý và chấp thuận, sau đó khoảng 2 tuần, họ cấp cho mình một Thư Báo, tiếng Anh gọi là Memorandum. Khi nhận được Thư Báo rồi, mình cầm Thư Báo và lá thư của Văn phòng sinh viên người nước ngoài để đi về nước để lấy Visa nghiên cứu. Tuy nhiên, việc lấy Visa nghiên cứu, chúng ta phải cần một số điều kiện tiếp theo.

Điều kiện II: Trước tiên đi về nước để lấy Visa nghiên cứu, sinh viên cần phải bỏ tiền vào ngân hàng của trường Đại học Delhi trên $1000 để nhờ nhân viên ngân hàng này làm giùm một tờ đơn, xác nhận, kí và đóng dấu vào tờ đơn đó. Sau đó mình đóng cho họ 100Rb. Mục đích mình có đơn này là để Lãnh sự Quán hay Đại Sứ Quán Ấn Độ tại quốc gia mà mình đang ở xác nhận rằng mình có tài khoảng trong ngân hàng của trường Đại học. Khi có giấy xác nhận của ngân hàng, chúng ta cầm giấy này, thư báo, lá thư trên và tất cả hồ sơ học để đi về nước làm Visa nghiên cứu sinh.
Điều kiện III: Trở về nước, mình phải nhờ Sư phụ hoặc nhờ quý Phật tử làm cho mình thêm hai tờ giấy bảo lãnh: một giấy tài khoảng trong ngân hàng của người đứng ra bảo lãnh mình khoảng trên dưới $5000 và một giấy tài khoảng của mình trong ngân hàng Việt Nam khoảng $3000.

Vậy bộ hồ sơ nộp để lấy Visa nghiên cứu sinh gồm có giấy tài khoảng ngân hàng ở Ấn Độ/ giấy tài khoảng ngân hàng ở Việt Nam/ giấy tài khoảng của người đứng ra bảo lãnh mình/ cái đơn Human Research Form (Đơn Nghiên cứu con người)/ Thư báo (Memorandum)/ thư của văn phòng sinh viên người nước ngoài/ văn bằng cử nhân/ bảng điểm cử nhân năm cuối/ giấy khai sanh/ văn bằng thạc sĩ/ bảng điểm thạc sĩ năm cuối/ văn bằng hậu thạc sĩ, bảng điểm hậu thạc sĩ năm cuối/ Synopsis/ giấy photo hộ chiếu có Visa sinh viên. Tất cả những hồ sơ trên mình đem nộp cho Lãnh Sứ Quán hay Đại Sứ Quán Ấn Độ tại nước của mình để đợi lấy Visa nghiên cứu sinh khoảng thời gian một tháng trở lên. Khi có Visa rồi, mình phải đợi ít nhứt là 28 ngày trong nước, sau đó mình được phép đi tới Ấn Độ để tiếp tục công việc du học của mình, lúc ấy thì Visa nghiên cứu sinh mới có giá trị hợp pháp.      
Mặc khác, có một vài trường hợp hay điều kiện ngoại lệ, thí sinh có thể học thẳng tiến sĩ mà không cần qua giai đoạn học hậu thạc sĩ phần II, nhưng phần I thí sinh phải bắt buộc học vì học phần I, thí sinh biết và nắm vững các phương pháp nghiên cứu, trích dẫn, ghi chú…Muốn học thẳng tiến sĩ, thí sinh phải đạt điểm 60% (First Class) trở lên trong khóa học thạc sĩ hai năm. Dĩ nhiên, đề tài phải được sự đồng ý của vị Giáo sư hướng dẫn (Supervisor), vị Giáo sư Trưởng Khoa (Head of Department) và các vị Giáo sư trong Khoa…Xin xem chi tiết ở phần viết trên.

Thời gian của khóa học Tiến sĩ:


Theo quy định của Bộ giáo dục và đào tạo Ấn Độ, thời gian của khóa học tiến sĩ ít nhất là 2 năm trở lên và nhiều nhứt là 5 năm. Trong khoảng thời gian 2 năm, thí sinh có thể hoàn tất việc bảo vệ luận án và nhận văn bằng tiến sĩ. Trong khoảng thời gian 5 năm, nếu nghiên cứu sinh chưa hoàn tất luận án tiến sĩ thì phải làm lại toàn bộ hồ sơ như ban đầu, nhưng mọi thứ phải được sự đồng ý của vị Giáo sư hướng dẫn. Đây là trường hợp suông sẻ. Cũng có một vài trường hợp không suông sẻ là vị Giáo sư bảo mình đổi đề tài, nếu đề tài bị đổi, mình phải mất thời gian của khóa học tiến sĩ, thì thiệt là vất vả và tốn kém công sức, tiền bạc, giấy tờ... Thầy bạn mong đợi, Phật tử mong đợi, Ba Má và gia đình mong đợi và mọi người trông đợi kết quả học tập của mình. Mọi người càng trông đợi, thì mình càng lo lắng và nôn nóng, ăn không ngon và ngủ không yên.
Đây là nói những người có làm việc, còn những người mà làm việc tà tà thì xin vui lòng không đề cập chỗ này. Do vậy, mình cố gắng hoàn tất luận án tiến sĩ theo thời gian quy định của Bộ Giáo dục Ấn Độ từ 2 năm tới 5 năm là điều hạnh phúc, từ đây, mình có thể đem nhiều hoa trái an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Cách chọn đề tài tiến sĩ (Doctoral Thesis):
Ở lãnh vực nghiên cứu khoa học, nhà nghiên cứu phải chọn đề tài giới hạn, rõ ràng và cụ thể. Đề tài càng giới hạn, rõ ràng và cụ thể, thì người viết càng đi sâu vào trọng tâm của nó. Khi chọn đề tài để viết luận án tiến sĩ, trước tiên mình phải xem nó là sở thích và sở trường của mình. Đề tài mà mình chọn mình thích thì mình có thể viết nhanh, viết tốt, viết say mê và viết hấp dẫn được. Đề tài do chính mình chọn, không do người khác chọn, các vị Giáo sư chỉ là những người gợi ý mà thôi.
Có một lần nọ, đề tài của người viết do vị Giáo sư trưởng Khoa chọn, nhưng tiếc thay, đề tài mà Giáo sư chọn thì không phải là sở thích và sở trường của mình. Ví dụ, người viết thích làm “đề tài sử” mà Giáo sư chọn cho mình “đề tài triết” thì người viết không thể làm được mà mạnh dạn bộc bạch nói rằng: “Thưa Giáo sư, nếu Giáo sư thích (chọn đề tài này cho em), thì Giáo sư viết, em không thích, thì làm sao em viết?” (“Dear Sir, if you like (to choose this topic for me), you write it, I do not like how can I write?”). Khi nghe như vậy, vị Giáo sư yên lặng và chấp nhận đề tài của người viết một cách hợp pháp. Tuy nhiên, đề tài của mình thích mình viết, Giáo sư có thể chỉnh sửa một vài từ hợp thích hợp, nhưng ý tứ của đề tài vẫn giữ nguyên.
Qua những gì đề cập ở trên, chúng ta khẳng định rằng đề tài mà chúng ta thích chúng ta chọn chúng ta có thể viết tốt, viết sâu và viết lâu bền được, Giáo sư chỉ là người gợi ý và góp ý đề tài cho chúng ta viết mà thôi. Cũng có trường hợp không may, Giáo sư chọn đề tài cho thí sinh, nhưng đề tài đó nằm ngoài sở trường và sở thích của thí sinh, thì thí sinh rất ư là vất vả trong việc nghiên cứu và viết lách.
Do vậy, để thuận tiện việc tham khảo và nghiên cứu, khi chọn lựa đề tài, thí sinh phải cẩn thận xem đề tài nghiên cứu là sở trường và sở thích của mình và xem đề tài có nhiều tài liệu tiếng Anh hay không, đề tài có mới mẻ hay không, có ai viết chưa, vân vân và vân vân. Hiểu và nắm vững được như vậy, thì nhà nghiên cứu viết lách một cách ngon lành.


Bảo vệ Luận án Tiến sĩ (Doctoral Thesis): 

Theo quy định của Bộ giáo dục và đào tạo của chính phủ Ấn Độ, trong khoảng thời gian 2 năm mình có thể nộp và bảo vệ luận án tiến sĩ.  Có 2 lần bảo vệ luận án: Lần đầu gọi là Seminar (Hội thảo chuyên đề), lần hai gọi là Viva Voce (Thi Vấn Đáp). Bảo vệ luận án lần đầu có các vị Giáo sư và sinh viên trong Khoa hỏi và bảo vệ lần hai chỉ có một vị Giáo sư ở trường Đại học khác tới được phép hỏi, còn các vị Giáo sư trong Khoa, kể cả vị Giáo sư Trưởng Khoa không được phép hỏi mà chỉ lập lại giùm câu hỏi cho vị thí sinh mà thôi.


Cách nộp và gởi bài đi chấm:
Trong trường Đại học Delhi-Ấn Độ, có một bộ phận chuyên đặc trách gởi luận án tới các vị Giáo sư ở các trường Đại học khác chấm. Bộ phận đặc trách này rất là quan trọng, thí sinh cần phải chú ý một tí thì luận án gặp nhiều suông sẻ và trôi chảy. Thật vậy, trước khi ra Seminar (Hội thảo chuyên đề), thí sinh đi xuống phòng 18, văn phòng của trường Đại học Delhi, xin 1 cái đơn nộp luận án tiến sĩ (PhD Thesis Form), điền đầy đủ và kí vào, chờ tới ngày ra Seminar, đưa cho vị Giáo sư hướng dẫn và vị Giáo sư Trưởng Khoa kí, cả hai vị Giáo sư kí xong, thí sinh giữ cái đơn đó đợi tới ngày nộp bài, khoảng thời gian nộp bài không quá 3 tháng nếu quá 3 tháng thí sinh phải ra Seminar lại.

Với sự đồng ý của Giáo sư hướng dẫn, khi chỉnh sửa luận án xong, thí sinh photo hay in luận án ra thành 7 quyển: 4 bìa cứng 3 bìa mền; 1 quyển bìa cứng cho tác giả, 1 quyển bìa cứng cho Giáo sư hướng dẫn, 1 quyển cho vị Giáo sư trưởng khoa (Head), 1 quyển bìa cứng (Hard cover) và 3 quyển bìa mền (Soft cover) nộp cho bộ phận văn phòng có trách nhiệm gởi luận án đi tới các vị Giáo sư ở các trường Đại học khác chấm. Nếu có vị đồng Giáo sư hướng dẫn (Co-supervisor), thí sinh có thể in thêm 1 luận án tiến sĩ nữa để tặng cho vị Giáo sư này.
1 quyển bìa cứng (Hard cover), 3 quyển bìa mền (Soft cover) kèm với cái đơn của phòng 18, thí sinh đi lên lầu 1 phòng 21 gần quầy đóng tiền tầng trệt để gặp Ông Puram, người có trách nhiệm làm thủ tục hồ sơ chuyển luận án tới các vị Giáo sư của trường Đại học Delhi và các trường Đại học khác ở Ấn Độ chấm. Phòng 21 là văn phòng của trường Đại học Delhi chuyên làm văn bằng thạc sĩ, hậu thạc sĩ, tiến sĩ…cho các sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Khi nộp luận án, thí sinh gặp Ông Puram, người có trách nhiệm, cấp cho thí sinh một cái đơn, viết xác nhận một vài chữ trong đơn, và bảo thí sinh đi xuống phòng tầng trệt gặp bà Madam để đóng tiền học phí đại học hằng năm.
Khi nộp 4 luận án cho Ông Puram, thí sinh phải nộp thêm 1 đĩa CD copy Abstract (bảng toát yếu tắt luận án) in Font chữ đánh máy 12 dòng đơn (Single line) 2 mặt trang giấy A4, bảng copy CD Abstract này nội dung của nó khác với bảng Abstract đọc ở trên Khoa . Trên đĩa CD Abstract, thí sinh viết tên đề tài, tên Giáo sư hướng dẫn, tên thí sinh và ngày tháng ra Seminar. Thí sinh nộp thêm 6 bảng Abstracts đọc ở trên Khoa dài khoảng 7 hay 8 trang giấy A 4, nộp thêm 6 Synopses (bảng tóm tắt luận  án tiến sĩ), nội dung của Abstract thí sinh được phép cập nhựt và chỉnh sửa làm sao cho phù hợp với nội dung của luận án hiện hành. Riêng đề tài của luận án, thí sinh không được phép sửa đổi một từ hay một dấu phẩy dấu phết nào cả. Hiểu và làm được như vậy, thí sinh không gặp khó khăn trong khi nộp luận án.

Phân loại Giáo sư hướng dẫn: Có 3 loại Giáo sư có thể hướng dẫn sinh viên; một là vị Giảng viên Đại học (Lecturer), hai là vị phó Giáo sư (Reader) và ba là vị Giáo sư (Professor).
Như các bạn biết, trước đây, vị Giảng viên (Lecturer) cùng với vị đồng Giảng viên (Co-lecturer) có thể hướng dẫn thêm 8 vị nghiên cứu sinh, điều đó có nghĩa là, một vị nghiên cứu sinh có 2 vị Giảng viên hướng dẫn, một Giảng viên (Lecturer) và một vị đồng Giảng viên (Co-lecturer). Vị Giảng viên (Lecturer) bao giờ cũng có trách nhiệm nhiều hơn vị đồng Giảng viên (Co-lecturer) như kí giấy tờ và nhắc nhở vị nghiên cứu sinh viết bài…Như vậy, vị Giảng viên ở trong khoa là chính, còn vị đồng Giảng viên có thể là ở trong khoa và cũng có thể là ở ngoài khoa là phụ.

Một vị phó Giáo sư (Reader) cùng với một vị đồng phó Giáo sư (Co-reader) có thể hướng dẫn 16 vị nghiên cứu sinh, điều đó có nghĩa là, một vị nghiên cứu sinh có 2 vị hướng dẫn, một vị phó Giáo sư và một vị đồng phó Giáo sư. Vị phó Giáo sư (Reader) bao giờ cũng có trách nhiệm hơn vị đồng phó Giáo sư (Co-reader) như kí giấy tờ và nhắc nhở vị nghiên cứu sinh viết bài…Như vậy, vị phó Giáo sư ở trong khoa là chính, còn vị đồng phó Giáo sư có thể là ở trong khoa và cũng có thể là ở ngoài khoa là phụ.

Một vị Giáo sư (Professor) cùng với vị đồng Giáo sư (Co-professor) có thể hướng dẫn 20 vị nghiên cứu sinh, điều đó có nghĩa là, một vị nghiên cứu sinh có 2 vị hướng dẫn, một vị Giáo sư và một vị đồng Giáo sư. Vị Giáo sư bao giờ cũng có trách nhiệm hơn vị đồng Giáo sư như kí giấy tờ i nhắc nhở vị nghiên cứu sinh viết bài…Như vậy, vị Giáo sư ở trong khoa là chính, còn vị đồng Giáo sư có thể là ở trong khoa và cũng có thể là ở ngoài khoa là phụ.
Tuy nhiên, có trường hợp ngoại lệ, vị Giáo sư có thể thỉnh những vị Giảng viên hoặc những vị phó Giáo sư làm các vị đồng Giáo sư để hướng dẫn sinh viên của mình, và ngược lại.

Hiện nay, năm 2008-9, để các vị nghiên cứu sinh (Postgraduate) nghiên cứu tốt hơn và để các vị Giảng viên, các vị phó Giáo sư và Giáo sư có trách nhiệm quan tâm và nhắc nhở nhiều tới các vị nghiên cứu sinh, trường Đại học Delhi-Ấn Độ quy định một vị Giảng viên đại học (Lecturer) chỉ hướng dẫn 4 vị nghiên cứu sinh, một vị phó Giáo sư (Reader) hướng dẫn 8 vị nghiên cứu sinh và một vị Giáo sư (Professor) hướng dẫn 10 vị nghiên cứu sinh.

Trách nhiệm của Giáo sư hướng dẫn:

Ở giai đoạn học tiến sĩ của các sinh viên, vị Giáo sư có bổn phận rất lớn đối với các vị sinh viên của mình. Cứ 6 tháng một lần, vị Giáo sư nhắc nhở sinh viên của mình kiếm tài liệu (Collection of Data), soạn bài, viết bài, nghiên cứu…Bên cạnh đó, vị Giáo sư còn có trách nhiệm sửa bài cho sinh viên, kí giấy tờ cho sinh viên, nhắc nhở và động viên sinh viên làm việc tốt có hiệu quả cao. Mặc khác, khi luận án tiến sĩ của vị sinh viên gởi đi chấm, vị Giáo sư hướng dẫn có trách nhiệm gởi 6 tên của 6 vị Giáo sư chấm bài (Examiner’s names) tới bộ phận văn phòng của trường Đại học Delhi, Ấn Độ. Người có trách nhiệm của bộ phận này gởi các luận án tới các vị Giáo sư của các trường Đại học khác chấm là Ông Puram. Ở trong giai đoạn này, để biết luận án của mình được gởi đi chấm hay chưa, các vị sinh viên nên thường xuyên liên lạc với vị Giáo sư hướng dẫn của mình là tốt nhứt. 6 vị Giáo sư trên hầu hết là 6 vị Giáo sư của các trường Đại học khác, nằm ngoài trường Đại học Delhi, Ấn Độ.

Khi 6 vị Giáo sư được vị Giáo sư hướng dẫn của thí sinh gởi tới bộ phận văn phòng của trường Đại học Delhi, Ấn Độ, thì Ông viện trưởng (Vice Chancellor) của trường Đại học này có trách nhiệm bỏ ba vị và chọn ba. Vậy, 3 luận án tiến sĩ cùng một đề tài và nội dung được gởi tới 3 vị Giáo sư được chọn chấm bài.

Cách chấm luận án tiến sĩ:
Dưạ vào luận án tiến sĩ của thí sinh, 3 vị Giáo sư đặt nhiều câu hỏi cho đề tài luận án tiến sĩ (Doctoral Thesis Topic), nội dung của từng chương, tài liệu nghiên cứu…Họ phê bình tổng quát, khen chê, cách trình bày, cách viết, văn phạm, cấu trúc câu, cách trích dẫn, cách dùng từ, cách dùng ý…

Tóm lại, qua những điều đề cập ở trên, tác giả cố gắng viết lại những gì mà mình đã trải qua, hy vọng rằng những điều ấy có thể giúp cho các bạn đọc hiểu thêm một phần nào về đất nước, con người, văn hóa, phong tục tập quán…đặc biệt là giúp cho các Tăng Ni sinh viên hiểu thêm về việc đi du học tại trường Đại học Delhi, Ấn Độ. Nếu các vị Tăng Ni sinh viên nào có đủ duyên đi du học tại ngôi trường trên, thì các vị có thể chuẩn bị tư tưởng và hành trang chu đáo. Nếu một việc gì xảy ra dù thuận duyên hay nghịch duyên, thì các vị cứ vững tâm an lạc và tiến bước.

Đại đức Thích Trừng Sỹ nhận bằng Tiến sỹ Phật học năm 2009

Những điều đề cập trên đây trình bày có phần đơn giản và tóm lượt, không sao tránh khỏi những thiếu sót, kính mong quý vị đọc giả, hành giả và thức giả hoan hỷ niệm tình chỉ giáo và bổ sung ý kiến cho.

Thích Trừng Sỹ
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Paper 1: Pali/ Paper 2: Pali and Buddhist Sanskrit: Literature And Its History/ Paper 3: Buddhist Sankrit and Prakrit (Grammar and language)/ Paper 4: History of Buddhism in ancient and early medieval India/ Paper 5: Indian buddhist philosophy/ Paper  6: Indian philosophy and history up to the time of the Buddha/ Paper 7: Socially engaged Buddhism/ Paper 8: Chinese language or Tibetan language. 








                 

Vietnamese Page           Main Home Page          English Page